08:00 AM - 20:00 PM

028 38407175 - 0903 093 179

dinh.phamtourist@gmail.com

Tin tức chi tiết

CẨM NANG DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

Mon 08/06/2020 | 10:04 GMT+7

Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm thuộc vùng đất đàng trong xứ Thuận Quảng: cách đây trên 400 năm đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tác động của sự phát triển nền công nghiệp phương Tây vào thế kỷ 19 làm cho diện mạo Quy Nhơn có nhiều thay đổi. Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị có hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.

Trước thế kỷ X, nơi đây là vùng đất của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn nổi tiếng và sau đó là đất đế đô của Vương quốc Chăm pa. Theo dòng biến đổi của lịch sử, năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn bao gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó trở đi, đây là nơi gặp gỡ nhiều thời kỳ di dân của người Việt theo chân các chúa Nguyễn đi mở mang, khai phá bờ cõi và tụ cư sinh sống ở phía Nam, trong đó vùng đất của thành phố Quy Nhơn ngày nay, người Việt cũng đã đến định cư, lập nên các làng Chánh Thành, Cẩm Thượng, Hưng Thạnh, Xuân Quang, Quy Hòa…và thành lập thôn Vĩnh Khánh có địa giới giáp đến chân núi Cù Mông. Đến năm 1602, cách đây 406 năm, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên gọi mới này có ý nghĩa mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa. Qua 5 lần thay đổi tên gọi khác nhau, năm 1832 vua Minh Mạng đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định cho đến ngày nay. Ngày 20 tháng 10 năm 1898, Viện Cơ mật Triều đình Huế trình vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn. Như vậy, thành phố Quy Nhơn ngày nay đã có hơn 110 năm với tư cách là đô thị tỉnh lỵ – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định.

Vào đầu thế kỷ XX, nhiều công trình mới được mọc lên như: trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở, nhà hát, toà giám mục, hệ thống giao thông đường sắt, nhà ga… Do đó, trong 3 thập niên đầu của thế kỷ XX, Quy Nhơn nhanh chóng được đô thị hóa và trở thành một đô thị lớn ở khu vực. Ngày 30/4/1930, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố cấp  Đây là một trong những đô thị ở nước ta thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hóa.

Sau chiến tranh, tháng 02/1976 hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 18/6/1986 Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định mở rộng và nâng cấp Thị xã lên Thành phố thuộc tỉnh, khi đó thành phố Quy Nhơn có 8 phường, 7 xã, với diện tích 212 km² và dân số 174.076 người. Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, lấy thành phố Quy Nhơn làm tỉnh lỵ.

1. THỜI TIẾT

Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt là mùa khô từ tháng 3 – 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24,5º C nên thực tế hầu như lúc nào cũng có thể đến Quy Nhơn. Tuy vậy, các bạn nên tránh mùa mưa bão ở Quy Nhơn thường kéo dài vào khoảng cuối năm, tần suất có thể có bão cao nhất vào tháng 9-11. Nếu có kế hoạch tới đây vào khoảng thời gian này, các bạn nên theo dõi thời tiết thật kỹ để tránh ảnh hưởng tới chuyến đi.

Hãy cùng công ty VINATOURIST  https://vinatourist.net/tour-trong-nuoc/ GIÁ RẺ  cùng bạn khám phá

2.PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Quy Nhơn – Bình Định thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 1.065km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 649km về phía Nam. Từ 2 thành phố lớn của cả nước đến đây bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện sau:

Máy bay
Hiện từ Hà Nội và Tp.HCM các hãng Vietnam Airlines, Vietjet air… đều có khai thác chặng bay đến sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn khoảng 30km. Mỗi ngày 2 chuyến bay từ Tp.HCM và 1 chuyến từ Hà Nội. Với giá vé dao động 470.000 – 2 triệu đồng. Thời gian di chuyển là 60 phút.
Từ sân bay Phù Cát, để tới Quy Nhơn bạn đi xe trung chuyển của Cảng hàng không Phù Cát (xe trả khách ở số 1 Nguyễn Tất Thành), thời gian đi khoảng 50 phút, phí 50 nghìn đồng/lượt hoặc bạn đi taxi, giá khoảng 400 nghìn đồng. Để tiết kiệm chi phí bạn có thể ngồi ghép với nhiều hành khách và chia đều tiền ra.
Tàu hỏa
Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn – Bình Định mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu Bắc – Nam chạy qua địa phận tỉnh Bình Định và dừng ở ga Diêu Trì. Vì thế bạn có thể lựa chọn tàu hỏa trong cuộc hành trình đến với đất võ Bình Định. Để nắm rõ lịch trình, bạn có thể liên hệ phòng vé nơi mình đang ở để biết chính xác giờ tàu đi, tàu đến.
Ở TP.HCM bạn mất khoảng 10 tiếng đế đến Diêu Trì, từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn mất chừng 30 phút, phí taxi khoảng 200 nghìn đồng + giá vé dao động từ 500 – 800 nghìn đồng tùy theo loại vé bạn mua. Từ Diêu Trì, để tiết kiệm, bạn cũng có thể thương lượng đi ghép với những hành khách khác cũng về thành phố.
Xe khách
Một số hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội – Quy Nhơn, Bình Đình và thành phố Hồ Chí Minh – Quy Nhơn:

- Hãng xe Phương Trang:

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh đến trực tiếp tại địa chỉ: 272 Đề Thám, Quận 1. Điện thoại liên hệ: (08) 38375570.

+ Tại Quy Nhơn: 15 Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Điện thoại liên hệ: (056) 3946 538.

- Hãng xe Mai Linh:

+ Tại Hà Nội: 55 Kim Đồng, P.Giáp Bắc, Q.Hoàng Ma. Điện thoại: (04) 36 33 66 99.

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh liên hệ tổng đài đặt vé: (08) 39 29 29 29. Hotline: 0985 29 29 29.

+ Tại Quy Nhơn: Mua vé trực tiếp tại bến xe Quy Nhơn. Điện thoại: (056) 3946 099.

- Hãng xe Hoàng Long:

+ Tại Hà Nội: 505 Minh Khai. Điện thoại (04) 3987.5410; 28 Trần Nhật Duật. Điện thoại (04) 39.28.28.28; Bến xe Lương Yên, số 1 Nguyễn Khoái. Điện thoại (04) 3987.7225. và 873 Giáp Bát. Điện thoại (04) 3664.6617.

+ Tại Quy Nhơn: số 60 Tây Sơn – Quy Nhơn. Điện thoại: (056) 946111.

+ Tại Sài Gòn: Mua vé tại bến xe miền Đông. Điện thoại: (08) 35113113. Hoặc liên hệ văn phòng tại số 47 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Điện thoại: (08)39151818.

Phương tiện di chuyển tại Bình Định

Để đi lại các điểm du lịch trong thành phố Quy Nhơn bạn có thể di chuyển bằng xe bus hoặc thuê xe máy.
Cũng như các thành phố khác, đến Quy Nhơn bạn có thể thuê xe máy đi tham quan với giá 120 nghìn đồng/ngày Bạn có thể thuê xe máy trong các khách sạn để tham quan Quy Nhơn, giá khoảng 120.000 đồng một ngày. Để thuê xe bạn phải đặt CMND và tiền cọc khoảng 500 nghìn đồng.

3.LƯU TRÚ

Là một điểm đến khá hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú của Bình Định tương đối đầy đủ với nhiều loại hình.

Khách sạn

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 200 khách sạn với hơn 5000 phòng, đủ để có thể phục vụ một lượng lớn khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Số lượng khách sạn này chủ yếu tập trung ở Tp Quy Nhơn và nằm rải rác ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng.

Nhà nghỉ

Loại hình lưu trú bình dân, giá rẻ và phân bố ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Với những nhóm bạn trẻ yêu thích du lịch bụi, thích lang thang khám phá nhiều địa điểm mới lạ thì loại hình lưu trú này sẽ phù hợp nhất bởi giá thành hợp lý cũng như dễ tìm.

Homestay

Với lợi thế địa hình để phát triển du lịch sinh thái, Quy Nhơn có nhiều thế mạnh để xây dựng loại hình lưu trú homestay phục vụ du khách. Hiện tại, loại hình lưu trú homestay tập trung chủ yếu ở khu vực Tp Quy Nhơn, đảo Cù Lao Xanh, Eo Gió, Hòn Khô…

4.ĐIỂM THAM QUAN

Được hình thành cách đây hàng trăm năm, thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn trông giống “vầng trăng khuyết” nên thơ và hấp dẫn du khách. Nằm ngay cạnh trung tâm thành phố, bãi biển uốn cong với bãi cát vàng thoai thoải trải dài 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.

GHỀNH RÁNG - TIÊN SA

Nằm trong trung tâm thành phố Quy Nhơn, khu du lịch Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa một bên là biển trời mênh mông với một bên là núi đá muôn hình vạn trạng.Ghềnh Ráng như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày với quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất trập trùng, thành rạng, thành ghềnh hết sức hấp dẫn.

Mộ Hàn Mặc Tử

Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển.Hàn Mặc Tử đã không còn nhưng thơ ông vẫn sẽ mãi ở trong lòng những người yêu thơ. Rất nhiều những thế hệ yêu thơ đã tìm đến với ông, tìm đến Ghềnh Ráng để được tưởng nhớ và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa.

Nhà thờ Ghềnh Ráng

Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng có tên đầy đủ là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Quy Nhơn. Theo các tài liệu, nhà thờ Đá được khởi công xây dựng vào ngày 11/02/1963 và khánh thành ngày 15/8/1964, do linh mục Phạm Châu Diên đứng ra xây cất. Sau 40 năm trải qua mưa nắng, gió biển bào mòn, nhà thờ đã có một thời gian xuống cấp, hoang phế. Năm 2005, nhà thờ được tái thiết lại và khánh thành ngày 02/02/2007, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.

Do nằm trên triền dốc nên lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy vậy du khách vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm quang cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của nhà thờ Đá.

Bãi Trứng

Bãi Trứng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông – Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách với vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ.

Ngoài tắm biển, đến đây, bạn có thể tham quan vẻ đẹp của Gềnh Ráng, quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng thành hang, thành rạng, ghé mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, tìm hiểu về Lầu Ông Hoàng hay xuôi ra đảo có có tên Hòn Đất Bi khám phá những hang động kỳ thú.

Bãi biển Quy Hòa

Biển Quy Hoà nép mình cạnh trại phong Quy Hoà. Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm đềm với những đợt sóng nhỏ, nước trong vắt và những hàng dương xanh ngát đung đưa theo tiếng gió, tiếng chim ríu rít hoà lẫn trong tiếng sóng tạo cảm giác thanh bình và yên ả.

Bãi Xép

Bãi Xép cách thành phố Quy Nhơn 10km theo đường Quy Nhơn – Sông Cầu và nằm trong khu du lịch sinh thái rừng biển Bãi Xép do một công ty tư nhân khai thác. Ngoài lợi thế của một bãi tắm đẹp, bãi Xép cũng xanh mát với vườn cây ăn quả, rừng dừa, rừng dương, bãi cỏ… khiến bạn có cảm giác đang ở một vùng quê yên tĩnh hơn là vùng biển sóng rì rào vỗ.

Từ bãi Xép, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của dãy Phương Mai, hòn Ngang, hòn Đất và vịnh biển Quy Nhơn xinh đẹp. Nằm trong khu sinh thái rừng biển nên nếu thích mạo hiểm, bạn có thể đi ngược về phía Tây khoảng 1 km, đến suối Vàng, sẽ bắt gặp một vùng thiên nhiên hoang dã với rừng cây, thác nước…

Bãi Dại

Sự kết đôi của cung đường biển trong xanh ôm gọn những khối đá co cụm nhiều hình dáng rải rác trên bờ và dưới biển mang đến cho bãi Dại vẻ đẹp thơ mộng và góc cạnh. Vẻ đẹp của bãi Dại có thể làm mềm lòng cả những vị khách khó tính nhất.Sau khi vùng vẫy thoả thích trong làn nước trong vắt, bạn có thể tìm cho mình bóng râm giữa các khối đá lớn hay đong đưa trên những chiếc võng ở các nhà chòi cạnh biển nghe tiếng sóng, tiếng gió, cả tiếng đàn, sáo vi vu vang lên từ các chòi bên cạnh.

Bãi Bàng

Được bao bọc bởi những dãy núi chạy dài uốn hình cánh cung vươn ra biển và những hòn đảo ngoài khơi, biển Bãi Bàng sạch đẹp, xanh mát, hiền hòa, là nơi tắm biển lý tưởng. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ, những chiếc võng đong đưa dưới tán cây xanh, hàng dừa trĩu quả, rặng phi lao lả lơi, những chậu cây kiểng cổ thụ được cắt tỉa công phu… đã góp phần làm nên nét thi vị cho khu du lịch mini này.

Bãi Rạng

Là một bãi biển nhỏ, nằm sát trên tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, thuộc địa phận Xuân Hải, Sông Cầu. Bãi Rạng nằm lọt thỏm giữa 2 ghềnh đá nhô ra biển, từ Quốc lộ 1D các bạn có thể nhìn thấy rõ bãi biển này.

Eo Gió

Eo Gió thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, đây là một eo núi hình cánh cung, sườn núi đá cheo leo hiểm trở với độ cao hơn 70m, thuộc dãy Núi Cấm – dãy núi án ngữ phía Đông của xã, nối liền hai thôn Hưng Lương và Xương Lý, chạy dài theo hướng Bắc – Nam.

Gọi là Eo Gió, hay Eo Cửa Gió vì đấy là cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển. Gió từ biển cả lọt qua hõm núi này như rót vào miệng phễu, thổi lồng lộng khiến người vừa đẫm mồ hôi vì lội cát, đến đây đã chợt thấy se lạnh.

Tịnh xá Ngọc Hòa

Cạnh làng chài dưới chân Eo Gió là một ngôi chùa bề thế mang tên Tịnh Xá Ngọc Hòa, đây là ngôi chùa bề thế, trầm lặng nằm bên Eo gió với tượng Phật bà Quan âm hai mặt lớn nhất Việt Nam hướng ra biển lớn mang theo mong ước bình yên và may mắn của những người dân chài thân thiện nơi đây.

Kỳ Co

 

Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý (nằm trên bán đảo Phương Mai) là một bãi biển nhỏ diện dịch khoảng hơn 1km², với bãi biển nông, lặng sóng và mang vẻ đẹp vô cùng hoang sơ. Đây là địa điểm chưa được đưa vào khai thác du lịch một cách đại trà mà mới chỉ có các hoạt động du lịch tự phát từ người dân để phục vụ nhu cầu du khách.

Đầm Mai Hương

Đây là một phần nhỏ của đầm Thị Nại nằm dọc Khu Kinh tế Nhơn Hội và dãy núi Phương Mai, giáp với xã Nhơn Hải. Để đến được đầm, từ Tp Quy Nhơn, chạy xe máy đến ngã tư Khu Kinh tế Nhơn Hội – Nhơn Lý, rẽ phải chạy về hướng xã Nhơn Hải, tầm 20 phút là bạn đã đặt chân đến đầm Mai Hương. Đứng trên cao, bạn sẽ bị hút mắt giữa một vùng mây nước bao la, chen lẫn cỏ cây, hoa lá cùng các gành đá men theo mép nước. Xa xa giữa đầm nổi lên một cồn cát trắng trải dài. Tít tắp tận chân trời là cầu Thị Nại vươn mình trên biển tạo thành một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng mà đầy mê hoặc.

Hòn Khô

Nằm cách Quy Nhơn khoảng 16km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong những mùa biển động, Hòn Khô đón những con sóng trùng trùng tung bọt trắng xóa mà trông xa như những đóa hoa biển kỳ ảo, chợt hiện, chợt tan. Mùa biển yên, Hòn Khô lại quyến rũ mời chào du khách với bãi cát dài trắng mịn, với những rạn san hô sặc sỡ, với những bãi cỏ xanh mượt như nhung và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Đến với Hòn Khô, du khách sẽ được thăm làng chài Nhơn Hải, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món tươi ngon miền biển.

Biển Hải Giang

Là một ốc đảo nhỏ bé nằm trên bán đảo Nhơn Hải, là một làng chài dân cư thưa nhớt nhưng Hải Giang có địa hình khá độc đáo, nằm giữa núi và biển, cách biệt với thành phố Quy Nhơn bởi những rặng núi thuộc dãy Phương Mai. Để tới đây du lịch, bạn có thể đi bằng thuyền khởi hành từ bến Hàm Tử. Tới Hải Giang bạn có thể leo núi, lặn biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon ngay trên đảo.

Cù Lao Xanh

Cù Lao Xanh (đảo Nhơn Châu) còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Trước kia Cù Lao Xanh vốn là đất của tỉnh Phú Yên nhưng được nhập về thành phố Quy Nhơn từ sau năm 1975.

Cầu Thị Nại

Cầu Thị Nại hay Cầu Nhơn Hội là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại dài 2,5 km, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu.

Bảo tàng Bình Định

Bảo tàng Tổng hợp Bình Đinh với diện tích 3.673m2, nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố Quy Nhơn với 5 gian trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật đem đến cho người xem cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể về quê hương con người Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ và đặc biệt là hệ thống tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Champa.

Các gian trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp có 5 gian với 5 chủ đề chính: phòng “Đất nước con người” với 241 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Pháp” với 122 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Mỹ” với 233 hiện vật, phòng “văn hóa Chăm” 173 hiện vật, phòng “Bác Hồ với Bình Định – Bình Định với Bác Hồ” 185 hiện vật.

Tháp Đôi

Trong số các tháp Champa còn lại trên đất Bình Định, có một quần thể di tích khá độc đáo nằm ngay trên địa phận phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Đó là tháp Hưng Thạnh. Đại nam nhất thống chí chép Hưng Thạnh cổ Tháp ở thôn Hưng Thạnh huyện tuy phước có hai Tháp tục gọi là Tháp Đôi. Trong các tác phẩm nghiên cứu, người Pháp gọi đây là Tour Kh’mer vì nhìn gốc độ kiến trúc và nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật Kh’mer. Xét về phong cách, tháp Đôi có nhiều nét tương đồng với khu tháp Dương Long, đều là những công trình kiến trúc được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ XIII, khi Champa bị người Kh’mer đô hộ. Di tích hiện còn là hai ngọn tháp không cao lắm nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam. Tháp Bắc cao chừng 16m, tháp Nam thấp và nhỏ hơn một chút. Có lẽ chính vì vậy nên trong dân gian đã gọi bằng một cái tên giản dị: Tháp Đôi.

Chùa Long Khánh

Toạ lạc ở số 141 Trần Cao Vân, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Chùa Long Khánh là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng bấy giờ. Chùa do hoà thượng Đức Sơn (người Trung Quốc) sáng lập. Hiện chùa còn lưu giữ hai vật quý: Thái Bình hồng chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805 triều vua Gia Long. Tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.

Chùa Sơn Long

Chùa Sơn Long nay thuộc phường Nhơn Bình, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông. Kiến trúc chùa có nhiều thay đổi nhưng khuôn viên chùa vẫn giữ như cũ. Mặt tiền hình cánh cung niễng, mặt hậu đất đá lồi lõm sát vách núi. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa có tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới có một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Tảng đá đó có tên gọi là đá Hàm Long, nay không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có những mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn.

Đến Sơn Long, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn,cao 3,1 m với chạm khắc hoa văn sau lưng. Bức tượng xác định là của người Chăm tạc từ thế kỷ XIII. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng chùa Sơn Long vẫn dập dìu khách phương xa đến thăm,vãn cảnh,…đặc biệt là vào dịp đầu năm mới.

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (còn có danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời và còn có tên khác là nhà thờ Nhọn) tọa lạc tại 122 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Nhà thờ có khuôn viên khá rộng và được trồng nhiều cây xanh…

Núi Xuân Vân

Núi Xuân Vân là 1 trong 3 điểm cao hấp dẫn nhất ở Quy Nhơn. Núi cao 242 m so với mực nước biển. Đường lên núi do dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Giáo xứ Phanxico Quy Hòa) xây dựng từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước để tín đồ lên cầu nguyện.

Xuất phát từ khu du lịch Ghềnh Ráng, men theo triền núi hướng sang Quy Hòa, độ 2 km nhìn về phía bên phải ta sẽ thấy một con đường nhỏ, trải xi măng, đó chính là chân núi Xuân Vân. Lối đi lên núi Xuân Vân là những bậc thang đá và xi măng, đường núi khá hẹp, chia thành từng chặng rõ ràng với 14 chặng được đánh số gắn đá với hơn 2.000 bậc. Dễ vì có bậc bước chân, nhưng cái khó của Xuân Vân là độ dốc lớn, chênh lệch độ cao 180 m từ chân lên đỉnh núi, khoảng cách giữa các bậc bước chân lại cao. Nên ai mới đi lần đầu sẽ cảm thấy rất mệt, nhất là ở 3 chặng đầu tiên.

Trên đỉnh núi có một khoảng không gian khá rộng, bằng phẳng, có nhiều tán cây tỏa bóng mát. Gần vùng đỉnh là những vạt sim mênh mông, tầm tháng bảy, tháng tám bạn nên lên đây nghe hương sim tỏa lan bát ngát. Trên đỉnh Xuân Vân có nhiều góc máy để bạn tha hồ chụp những bức ảnh đẹp về toàn cảnh Quy Nhơn.

Một vài địa điểm đẹp khác ở Bình Định

Hệ thống các tháp Chăm cổ

Những tháp Chăm ở Bình Định mang nhiều yếu tố đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa. Nếu như ở các địa phương khác, dấu ấn Chămpa chỉ còn là phế tích thì việc rất nhiều tháp Chăm ở Bình Định vẫn còn gần như nguyên vẹn…

Thiên Hưng Tự

Thiên Hưng Tự được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, hướng chính điện nhìn ra cánh đồng lúa, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định. Không cổ kính, không nằm ở vị trí có “hình sông thế núi” tuyệt vời nhất nhưng chùa Thiên Hưng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến Bình Định vì là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.

Khu dã ngoại Trung Lương

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km, nằm ở phía Đông đường ĐT 639 thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (phía bên bán đảo Phương Mai, không phải phía sân bay). Đây là một trong những khu du lịch trọng điểm ở Bình Định. Biển ở đây trong veo và xanh ngắt như chính màu trời, màu núi, màu của những bao la ở một vùng đất còn rất nhiều điều bí ẩn để khám phá.

Điểm mới mẻ nhất của khu dã ngoại Trung Lương chính là nơi vui chơi, cắm trại những mái lều xanh đỏ nhấp nhô, hay những hàng ghế nghỉ đủ màu với tầm mắt hướng ngay về phía biển. Nắng vàng, cỏ xanh, xung quanh là những tảng đá vôi lớn và thứ không khí trong lành thổi về từ vùng đất vốn đã ít bon chen, hối hả đảm bảo sẽ khiến bạn chỉ muốn dừng chân tại đây hàng tiếng đồng hồ.

Chùa Ông Núi

Người dân Bình Định vẫn gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến). Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11). Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.

Khoảng năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn. Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.

Tiểu chủng viện Lòng Sông

Tiểu Chủng Viện Lòng Sông hay nhà thờ Lòng Sông là một kiến trúc cổ vừa mang vẻ trầm mặc linh thiêng của một công trình tôn giáo vừa có sự dung hòa giữa thiên nhiên – con người và kiến trúc độc đáo đã tạo nên một tổng thể toàn vẹn nhất.

Thắng cảnh Hầm Hô

Là một khúc sông dài gần 3km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khối đá dựng thành vách, rừng cây rợp bóng mát che phủ dòng nước và tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.

Đến đây bạn có thể thuê xuồng tham quan thắng cảnh dọc sông, đây cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cũng như các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng.

Chơi gì ở Quy Nhơn

Khu du lịch Seagate Park

Seagate Park nằm ngay bờ Bắc đầu cầu Thị Nại, cách trung tâm TP Quy Nhơn trên 7 km. Đây là một công viên đậm chất thiên nhiên hoang dã, với cảnh quan đồi núi, rừng, biển, có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí được thiết kế phù hợp mọi lứa tuổi. Du khách có thể vào Seagate Park vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cả ngày. Có nhiều trò chơi mới lạ dành cho giới thanh niên, như leo núi nhân tạo với độ cao 20 m, tập làm cung thủ với các cự ly phù hợp, chèo thuyền kayak, đu dây qua hồ nước… Trẻ em chơi sàn nhún, cầu tuột, đua xe đạp mini… Người lớn tuổi có thể đi dạo trong một không gian trong lành tuyệt đối, với tiếng gió rì rào qua rừng dương xanh ngút ngàn, tiếng chim hót véo von; và nghỉ chân trò chuyện dưới bóng mát cổ thụ, bên những tiểu cảnh nghệ thuật rất đẹp. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động teambuilding (sinh hoạt tập thể, các trò chơi vận động làm cầu nối giúp mọi người gắn kết cùng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn…).

Lặn ngắm san hô

Các bạn có thể lặn ngắm san hô ở khu vực Hòn KHô hoặc Kỳ Co. Bãi biển ở 2 nơi này đều xanh và rất trong, chỉ cần một chiếc kính lặn nhỏ hoặc một bộ đồ lặn chuyên dụng các bạn có thể tha hồ ngắm những rạn san hô với vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo.

Ngồi cafe ven biển

Nếu là một người yêu thích cafe view đẹp, bạn chắc sẽ không nên bỏ lỡ việc vừa  ngồi cafe vùa ngồi ngắm biển tại Quy Nhơn.Nổi tiếng nhất là Surf Bar nằm ngay trên bãi cát của bãi biển Quy Nhơn, tiếp đến là S Blue nằm tại quảng trường trung tâm thành phố, xa hơn một chút là Life’a Beach, một khách sạn nhỏ nằm trên trục đường biển Quy Nhơn – Sông Cầu.

Tour trải nghiệm Bình Định du khách có thể tham khảo và dễ dàng chọn lựa cho mình một tour du lịch trải nghiệm cực hấp dẫn tại Vinatourist

https://vinatourist.net/tour-trong-nuoc/tour-quy-nhon-kich-cau-2020.html

5.ĐẶC SẢN

Bánh xèo tôm nhảy – đầu cầu Mỹ Cang

 

Các bài viết khác

Mobile version
Zalo